Google analytics được coi là một trợ lý đắc lực cho bất kỳ website này bởi nó phản ánh hầu hết các thông tin hữu ích về website cũng như khách hàng của bạn phục vụ cho phương hướng tìm kiếm khách hàng và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Đối với nhiều chủ doanh nghiệp khách sạn mới tạo website, chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc thì Google Analytics có vẻ hơi rắc rối, khó hiểu. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách thiết lập Google Analytics cũng như cách sử dụng và quản lý các tính năng cơ bản nhằm mục đích tăng doanh thu cho website khách sạn.
Một khi bạn đã có 1 website khách sạn, điều bạn cần làm là theo dõi và kiểm tra hiệu quả hoạt động của nó như thế nào. Hơn nữa, việc sở hữu một website không giống như khách sạn, bạn không thể nhìn và nói chuyện trực tiếp để nắm bắt được hành vi book phòng của họ. Và Google Analytics sẽ giúp bạn làm tất cả những điều đó, không những đo lường các chỉ số trên website mà còn giúp bạn hiểu hơn về khách hàng từ việc họ đến với mình như thế nào cho tới thái độ tiếp nhận dịch vụ mà mình cung cấp.
CÁCH THIẾT LẬP GOOGLE ANALYTICS CHO WEBSITE KHÁCH SẠN Để bắt đầu thiết lập Google Analytics, bạn cần phải có 1 tài khoản Gmail cá nhân. Nếu chưa có, bạn có thể đăng ký tại đây.
Bước 1: Truy cập Google Analytics rồi chọn Tạo tài khoản, click Đăng ký trong trang chuyển tiếp.
Bước 2: Điền đầy đủ thông tin về tên tài khoản và website bạn muốn theo dõi.
Bước 3: Sau khi hoàn tất, chọn Nhận ID theo dõi. Google Analytics sẽ cũng cấp cho bạn ID và đoạn mã theo dõi.
Việc của bạn là copy đoạn này và chèn trực tiếp sau thẻ body website mà bạn muốn theo dõi hoặc bạn có thể lưu đoạn ID theo dõi này vào website.
Sau khi ID hoặc mã theo dõi được thêm vào website, bạn có thể bắt đầu theo dõi các thông số được liệt kê trong trang của Google Analytics.
MỘT SỐ BÁO CÁO CƠ BẢN BẠN CẦN NẮM VỮNG Các báo cáo trong Google Analytics được liệt kê trong thanh điều hướng bên trái của trang. Nếu bạn là người mới bắt đầu, bạn cần quan tâm đến những báo cáo sau:
– Thời gian thực (Real time): Cho bạn biết những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại.
– Đối tương (Audience): Thống kê chi tiết thành phần, số liệu cụ thể của khách hàng, người truy cập website.
– Sức thu hút (Acquisition): Thể hiện cách thức khách hàng đến với website của bạn và quản lý được tiến trình của các chiến dịch quảng cáo trả phí, từ khóa,…
– Hành vi (Behavior): Giúp bạn thống kê những tương tác của người truy cập đối với website.
1. BÁO CÁO THỜI GIAN THỰC
Báo cáo thời gian thực là 1 công cụ rất tiện ích, cho phép bạn theo dõi được lượng truy cập trong 1 thời điểm thực tế: Những ai đang truy cập, họ đến từ đâu và họ đang xem ở trang nào, bài nào ngay tại thời điểm đó. Để xem được, bạn vào Báo cáo tổng quan hoặc có thể tìm hiểu sâu hơn các thông tin bằng cách click vào những báo cáo chi tiết dưới đó: Vị trí, nguồn lưu lượng, nội dung, sự kiện, chuyển đổi.
Tính năng này đặc biệt quan trọng trong việc kiểm định tác động trực tiếp tới lưu lượng truy cập của các chiến dịch quảng cáo, email marketing… Ví dụ như bạn đang chạy quảng cáo trên Facebook, ngoài việc bạn có thể theo dõi tổng bao nhiêu người đang truy cập trang web của bạn mà bạn còn biết được có bao nhiêu lượt truy cập từ Facebook trong thời điểm hiện tại. Qua việc giám sát này, bạn sẽ có sự đánh giá hiệu quả của chiến dịch này, có thu hút lượt click hay không, trang nào, bài viết nào được người tiêu dùng quan tâm…
>>Tham khảo tiếp: Quảng cáo Facebook Ads cho khách sạn trong thời đại 4.0
2. BÁO CÁO ĐỐI TƯỢNG
Báo cáo này giúp bạn nắm được những thông tin cơ bản của khách hàng về nhân khẩu học như giới tính, ngôn ngữ, địa điểm, thậm chí còn có thể biết được họ truy cập website của bạn nhờ sản phẩm công nghệ nào (điện thoại hay PC…), hệ điều hành gì (Mac, window, iOS, Android…), mạng nào (FPT, 3G, Viettel…)
Trong phần Tổng quan đối tượng bao gồm các thông tin:
– Phiên: Khoảng thời gian mà 1 người dùng truy cập website
– Người sử dụng: Tổng số người truy cập vào website bao gồm cả người dùng cũ và người dùng mới
– Số lần xem trang: Tổng số trang đã được xem. Số lần xem lặp lại của 1 trang vẫn được tính
– Số trang/phiên: Cho bạn biết trung bình 1 phiên truy cập đọc bao nhiêu trang trên website
– Thời gian trung bình của phiên: Thời gian trung bình mỗi lần truy cập
– Tỷ lệ thoát: Được tính là tỷ lệ % lượng truy cập vào website và thoát ra mà không có thao tác nào trong khoảng thời gian 30s.
– % phiên mới: Tỷ lệ % lượng khách hàng mới so với tổng số người truy cập website.
Những thông tin trên giúp bạn nắm rõ được tình hình phát triển của website khách sạn. Một trang web thành công là 1 trang web có lượng truy cập cao, số phiên, số người sử dụng, lần xem trang, số trang phiên, thời gian trung bình của phiên càng lớn càng tốt, riêng tỷ lệ thoát cần phải giảm tối đa. Chỉ số % tỷ lệ mới cao hay thấp là tốt thì còn phụ thuộc vào chiến lược website. Ví dụ như website của bạn mới được thành lập thì cần phải đẩy mạnh % người dùng mới này. Còn khi website đã đi vào quỹ đạo ổn định, đạt lượng truy cập nhất định, việc bạn cần làm là giữ chân những lượt truy cập cũ bằng cách thường xuyên cập nhật nội dung hữu ích cho họ.
Các thông tin về nhân khẩu học như giới tính, vị trí… nói cho bạn biết khoanh vùng đối tượng để bạn có kế hoạch tiếp cận với những khách hàng tiềm năng với ngành nghề, quy mô của bạn.
3. BÁO CÁO SỨC THU HÚT
Báo cáo này rất quan trọng bởi nó cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về cách thức khách hàng tìm đến website của bạn và cách họ truy cập trang như thế nào. Google Analytics sẽ cung cấp cho bạn tỷ lệ những kênh mà thông qua đó người dùng đến với website của bạn, ví dụ như Google search, mạng xã hội hay vào trực tiếp trang… Chi tiết hơn, bạn cũng biết được kênh nào thu hút được nhiều khách ghé thăm, kênh nào mang lại nhiều tương tác nhất hay kênh nào mang đến nhiều doanh thu nhất… Từ việc nắm được phương thức, kênh hiệu quả hay không có thể giúp bạn định hướng và đầu tư hiệu quả để chiến dịch tiếp cận khách hàng tối ưu nhất.
Ngoài ra, báo cáo này cũng giúp bạn biết được những trang hoặc những domain đang có đường liên kết với website và lượng truy cập từ các kênh đó để bạn lựa chọn cơ hội quảng bá website hiệu quả.
4. BÁO CÁO HÀNH VI
Báo cáo hành vi bao gồm tất cả thông tin về nội dung từng trang, tốc độ và thời gian tải trang, phản ứng của người truy cập khi vào website của bạn. Từ đó, bạn sẽ có kế hoạch cải thiện nội dung hoặc kĩ thuật tốt hơn cho website của mình để tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn dành cho khách hàng và làm gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Trong bảng hiển thị trên, bạn sẽ biết được chính xác hàng vi tương tác của người dùng, từ đó biết được tỷ lệ thoát ở đâu nhiều nhất để điều phối chiến lược onpage cho website tốt hơn.